Từ 4 giờ sáng, nhiều chị em trong HTX sản xuất nông sản do phụ nữ làm chủ Thiệu Nguyên (xã Thiệu Nguyên, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hoá) đã gọi nhau ra đồng thu hoạch lạc để tránh nắng. Vụ lạc xuân – hè năm nay được mùa, hạt đều chắc và ngọt nên được giá.
Chị Nguyễn Thị Hằng, thành viên HTX chia sẻ: Được Hội Phụ nữ cấp trên hỗ trợ cung ứng giống, phân bón, chính quyền địa phương tạo điều kiện về đất đai, chúng tôi mỗi người góp công, góp sức làm chung để chia sẻ kỹ thuật, liên kết cùng nhau phát triển. Ngoài diện tích 2ha làm chung, mỗi thành viên còn làm riêng vài sào lạc và đậu tùy theo từng mùa vụ nên có điều kiện giúp nhau trong sản xuất, tiêu thụ, tiết kiệm được chi phí, hiệu quả kinh tế cao hơn.
Xã Thiệu Nguyên có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển các loại cây rau màu, đặc biệt là vùng đất bãi ven sông Chu luôn được phù sa bồi đắp, hệ thống tưới tiêu thuận lợi cho phát triển các cây nông sản như lạc, đậu, ngô… Được sự quan tâm hỗ trợ của Hội LHPN tỉnh, tháng 9/2023, HTX sản xuất nông sản do phụ nữ làm chủ Thiệu Nguyên được thành lập, thu hút 20 thành viên tham gia. Hình thành từ tổ hợp tác nên khi phát triển lên HTX, mọi hoạt động của HTX được tổ chức thực hiện bài bản hơn và hoạt động theo Luật HTX.
Hội LHPN xã đã đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến luật, lồng ghép tại các cuộc họp sơ kết, tổng kết về tình hình thực hiện chính sách hỗ trợ thành lập mới, đào tạo bồi dưỡng cán bộ HTX, cung cấp tài liệu cho các thành viên học tập, nghiên cứu; các thành viên HTX được tập huấn chuyển giao khoa học – kỹ thuật, hướng dẫn cách trồng và chăm sóc các loại cây nông sản, đặc biệt là kỹ thuật trồng cây lạc. Ban điều hành HTX cũng được tham gia các lớp tập huấn do Hội LHPN tỉnh và huyện triển khai, tham gia các lớp học online do Trung ương Hội LHPN Việt Nam tổ chức.
HTX đã xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh cụ thể, xây dựng nội quy, quy chế hoạt động phù hợp và được UBND xã Thiệu Nguyên tạo điều kiện giao quỹ đất 2ha sản xuất tập trung. Từ khâu sản xuất đến thu hoạch đều do các thành viên bàn bạc thống nhất. Sau khi thu hoạch, căn cứ trên lợi nhuận cụ thể sẽ tiến hành chia 70% lợi nhuận cho các thành viên. Số còn lại để chi phí sản xuất cho các vụ tiếp theo và chi tiêu chung theo quy chế.
Vụ đầu, HTX chủ động trồng cây ngô sinh khối và đã có lợi nhuận 20 triệu đồng. Cùng với nguồn vốn điều lệ ban đầu do thành viên đóng góp 20 triệu đồng, đến nay HTX đã có 40 triệu đồng. Số tiền này được dùng để mở rộng sản xuất và chi phí cho các vụ kế tiếp. Vụ sản xuất thứ 2, HTX được Hội LHPN tỉnh hỗ trợ lạc giống, phân bón và chuyển giao quy trình kỹ thuật trồng 5ha lạc vụ xuân hè. Trong đó, có 2ha xã tạo điều kiện và 3ha các hộ thành viên góp lại. Sau 4 tháng, diện tích trồng lạc đã cho thu hoạch, năng suất đạt khoảng 60 tạ củ tươi/ha, cao hơn 10 tạ/ha so với sản xuất đại trà. Dự kiến doanh thu đạt 100 triệu đồng, trừ chi phí, lợi nhuận thu về khoảng 70 triệu đồng. Ngoài trồng lạc, trong năm HTX sẽ trồng các cây màu khác theo mùa vụ, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của địa phương để tăng thu nhập cho thành viên.
Giám đốc HTX Nguyễn Thị Lan cho biết: Mặc dù còn gặp một số khó khăn như: chưa có nơi bảo quản, sơ chế sản phẩm sau thu hoạch, chưa được tiếp cận nhiều chính sách của Nhà nước, nhưng ban điều hành HTX và các thành viên vẫn luôn quyết tâm nỗ lực khắc phục khó khăn, duy trì sản xuất ổn định, góp phần tăng thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống cho thành viên. Cái được lớn nhất là các thành viên của HTX cùng liên kết sản xuất bền vững, tăng cường đoàn kết, tương trợ giúp nhau, tạo động lực cho chị em tích cực lao động sản xuất, làm giàu cho gia đình, quê hương.
Nguồn: Ban TGCSLP, Hội LHPN tỉnh (tổng hợp)