Thời gian qua, khu vực KTTT, HTX ở TP. Hà Nội đóng vai trò quan trọng trong việc tuyên truyền, phổ biến các quy định của Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) nói chung và các biện pháp BVMT trong sản xuất nông nghiệp nói riêng. Điều này đang giúp các HTX hướng đến phát triển theo hướng bền vững.
Theo Trung tâm Bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới TP.Hà Nội, ngoài phụ phẩm các chất hữu cơ như thân lá, cành, rơm, rạ, phân bón, hóa chất, trong sản xuất trồng trọt còn có một lượng phế thải vô cơ rất khó xử lý và nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao là các loại vỏ, bao bì thuốc bảo vệ thực vật. Qua kết quả điều tra lượng bao gói thuốc bảo vệ thực vật thu gom năm 2020 là 113.571kg, đã xử lý 29.983kg và 83.588kg chưa xử lý.
Khởi điểm từ những mô hình “xanh”
Xuất phát từ thực trạng trên, đi đầu trong việc sản xuất nông nghiệp song song chống rác thải nhựa, bảo vệ môi trường có thể kể đến như HTX Bắc Hồng (Đông Anh), HTX Tây Tựu (Nam Từ Liêm), HTX nông nghiệp Sông Hồng (Đông Anh)…
HTX sản xuất và tiêu thụ rau an toàn Bắc Hồng (thôn Quan Âm, xã Bắc Hồng, huyện Đông Anh, TP.Hà Nội) là “vựa” rau của thủ đô, không chỉ cung ứng sản phẩm trên thị trường TP.Hà Nội mà còn ở các tỉnh lân cận khác.
Những năm trước đây, việc sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu trên diện tích canh tác không phải thành viên nào cũng tuân thủ đúng kỹ thuật. Tuy nhiên, điều này đã thay đổi từ khi HTX đưa mô hình rau an toàn vào sản xuất.
Ông Nguyễn Tuấn Hồng, Giám đốc HTX sản xuất và tiêu thụ rau an toàn Bắc Hồng chia sẻ: “HTX triển khai mô hình trồng rau trên diện tích 60ha, trong đó có 05 nhóm sản xuất rau an toàn, 120 thành viên tham gia mô hình PGS (hệ thống đảm bảo chất lượng trong sản xuất rau hữu cơ, rau an toàn), với các loại rau như: Rau muống, mồng tơi, cải xanh, cải ngọt, cải bắp, súp lơ, xà lách xoăn,.. Hiện, mô hình đã đem lại hiệu quả, năng suất cao, bảo đảm vệ sinh môi trường đạt 800 tấn rau củ/năm”.
Theo ông Hồng, việc áp dụng mô hình sản xuất rau an toàn giúp bà con kiểm soát được lượng phân bón, nước tưới cũng như tình hình sâu bệnh, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật mà vẫn đảm bảo chất lượng, màu sắc của sản phẩm, trọng lượng đồng đều.
Nhằm giám sát chất lượng và nâng cao trình độ canh tác của các thành viên, HTX đã chủ động liên hệ với Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội tổ chức 12 lớp bồi dưỡng, đào tạo về quản lý dịch hại tổng hợp IPM trên rau. Đồng thời, HTX mở các lớp bồi dưỡng kiến thức khoa học-kỹ thuật trong sản xuất và sơ chế cho hơn 300 lượt thành viên.
Ngoài ra, HTX còn tận dụng các phế phụ phẩm trong nông nghiệp để tái sử dụng làm phân bón, vừa có tác dụng cung cấp nguồn phân bón tại chỗ, vừa bảo vệ môi trường, hạn chế lây lan các mầm bệnh trong quá trình canh tác.
Tương tự, HTX dịch vụ tổng hợp Tây Tựu (phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm, TP.Hà Nội) cũng đi đầu trong việc sản xuất gắn với bảo vệ môi trường trên toàn diện tích 720 ha trồng hoa cúc, hồng, ly, đồng tiền,….
Ông Đinh Huy Hòa, Giám đốc HTX số 1 Tây Tựu cho biết: “Trong quá trình sản xuất không tránh khỏi việc sử dụng hóa chất và rác thải ra môi trường, đặc biệt với diện tích canh tác lớn. Khắc phục tình trạng đó, những năm qua, chính quyền địa phương cùng HTX đã tổ chức nhiều đợt ra quân thu gom rác thải nông nghiệp, trồng cây xanh ven bờ ruộng để nâng cao ý thức của các thành viên”.
Đồng thời, HTX đã vận động được nguồn tài trợ của Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố, Công ty thuốc bảo vệ thực vật, tận dụng nguồn lao động tại chỗ xây dựng hố chứa rác thải sinh hoạt, hố thu gom rác thải thuốc bảo vệ thực vật cho địa phương.
Theo đó, giải pháp triệt để mà HTX thực hiện là ứng dụng các biện pháp kỹ thuật mới vào sản xuất như: sử dụng phân, thuốc theo nguyên tắc 4 đúng, tăng cường bón phân hữu cơ, xây nhà lưới bảo vệ cây đầu dòng để hạn chế dùng thuốc hóa học diệt sâu, bệnh.
Ngoài việc hướng dẫn thành viên sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả, HTX còn áp dụng chương trình “Công nghệ sinh thái”- trồng hoa trên bờ ruộng để dẫn dụ thiên địch, kiểm soát các loại sâu hại trên đồng ruộng, thiết lập sự cân bằng hệ sinh thái đồng ruộng,… giảm đáng kể số lần xử lý nông dược, chi phí đầu tư và nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập cho nông dân.
Hướng đến mô hình không rác thải
Báo cáo của Sở NN&PTNT Hà Nội cho thấy, hiện, diện tích gieo trồng cây hàng năm của thành phố trung bình khoảng 244.560ha, trong đó, diện tích trồng lúa chiếm trên 171.700ha, rau các loại 33.851ha, ngô 15.602ha, hoa các loại 5.932ha,…
Nhằm hạn chế thuốc BVTV, rác thải nông nghiệp, thành phố Hà Nội tiếp tục ban hành Kế hoạch số 137/KH-UBND ngày 3-7-2020 về việc “Duy trì, mở rộng phát triển sản xuất và tiêu thụ rau an toàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025”. Theo đó, thành phố chỉ đạo ngành nông nghiệp mở rộng thêm từ 3.000-4.000 ha sản xuất rau an toàn, với giá trị sản xuất đạt từ 300-500 triệu đồng/ha/năm.
Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với HTX tập trung tăng cường hướng dẫn nông dân thực hiện quy trình sử dụng thuốc BVTV một cách khoa học, khuyến khích bà con áp dụng mô hình “3 giảm, 3 tăng” trong trồng trọt (giảm thuốc bảo vệ thực vật, giảm chi phí, giảm phân bón vô cơ, tăng năng suất, tăng chất lượng và tăng hiệu quả kinh tế). Triển khai dự án ứng dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi, thực hiện mô hình nhà lưới, mô hình sản xuất nông nghiệp theo quy trình VietGAP. Khuyến khích người dân tận dụng triệt để phế phụ phẩm đồng ruộng làm phân bón cho cây trồng, nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón, xây dựng mô hình nông nghiệp không chất thải…
Đạt được kết quả trên, những năm qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ký kết 2 Chương trình phối hợp giai đoạn 2006 – 2010 và 2011 – 2015 với Liên minh hợp tác xã Việt Nam về việc “Phát huy vai trò của kinh tế tập thể trong việc sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường”.
Việc thực hiện Chương trình phối hợp, nhiều mô hình hợp tác xã chuyên sâu trong bảo vệ môi trường đã được thành lập tiêu biểu như: hợp tác xã môi trường, hợp tác xã thu gom và xử lý rác thải, hợp tác xã nước sạch nông thôn, hợp tác xã trong các làng nghề tham gia xử lý môi trường và đã có những mô hình thành công như: hợp tác xã môi trường Thành Công (Hà Nội), hợp tác xã nước sạch Bình Tây (Tiền Giang), hợp tác xã môi trường Hiệp Hòa (Bắc Giang),…
Nguồn: VNBUSINESS