Theo thống kê của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), khoảng một phần ba thực phẩm sản xuất ra trên toàn cầu, tương đương 1,03 tỷ tấn, bị thải bỏ hoặc thất thoát trong quá trình từ trang trại tới bàn ăn. Lượng thực phẩm này trị giá hơn 1.000 tỷ USD…
Việc giảm một nửa số lương thực, thực phẩm bị lãng phí có thể giúp giảm khí thải gây biến đổi khí hậu và chấm dứt tình trạng thiếu lương thực cho 153 triệu người trên toàn cầu. Đây là đánh giá trong báo cáo chung của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) và Tổ chức FAO công bố ngày 2/7/2024. Báo cáo cảnh báo đến năm 2033, số calo bị thất thoát và lãng phí trong quá trình vận chuyển nông sản từ trang trại đến cửa hàng và các hộ gia đình có thể gấp 2 lần số calo được tiêu thụ hiện nay ở các nước thu nhập thấp trong một năm.
Mỗi quốc gia một sáng kiến
Theo số liệu do Chính phủ Nhật Bản công bố, tổng lượng thực phẩm ăn được bị vứt bỏ trong năm tài chính 2022 lên tới khoảng 4,72 triệu tấn. Giá trị lượng thực phẩm bị lãng phí này là 4.000 tỷ Yên (tương đương 25 tỷ USD). Chính phủ Nhật Bản đặt mục tiêu đến năm tài chính 2030 sẽ giảm một nửa lượng thực phẩm bị lãng phí tại các hộ gia đình và cơ sở kinh doanh từ mức hiện nay. Trước mắt, các cơ sở kinh doanh nên có biện pháp kéo dài thời gian sử dụng tốt nhất hay các sáng kiến tận dụng thực phẩm thừa.
Nằm tại Newtown, một trong những khu trung tâm của Sydney, siêu thị Green hoạt động theo tôn chỉ không để thừa bất cứ thứ gì. Ông Peter Varvaressos, đồng sở hữu siêu thị, cho biết nhiều loại rau khi gửi đến đã không còn ở trạng thái đủ tốt để thu hút người mua, siêu thị đã biến chúng thành nước rau ép và bán với giá cả phải chăng.
Với bã của nước ép, siêu thị khử nước và biến chúng thành bột để khách hàng có thể cho vào súp, nước dùng, sinh tố… “Như thế là với một sản phẩm chúng tôi có tới 3 cách tái sử dụng và hoàn toàn không lãng phí chút nào”, ông Peter Varvaressos nhấn mạnh.
Còn tại Thụy Sĩ, tổ chức phi lợi nhuận Free-Go đã đặt tủ lạnh và kệ đựng thức ăn trên các đường phố ở Geneva để người qua đường có thể lấy trái cây, rau củ, bánh mì và các đồ ăn khác miễn phí. Trong khi các chủ nhà hàng và hộ gia đình mang tới tủ lạnh những thực phẩm sắp hết hạn.
Khi chương trình bắt đầu triển khai vào năm ngoái, chỉ có một tủ lạnh duy nhất đặt bên ngoài trung tâm cộng đồng ở phía Tây Geneva. Giờ đây, có tổng cộng 4 chiếc tủ lạnh được đặt ở Geneva. Theo kế hoạch, chiếc tủ lạnh thứ 5 sẽ được lắp đặt vào cuối năm 2024.
Công ty Albertsons có trụ sở tại Boise (Idaho, Mỹ), một trong những chuỗi cửa hàng tạp hóa lớn nhất quốc gia với doanh thu hàng năm 78 tỷ USD, sử dụng phần mềm AI ở các cửa hàng từ năm ngoái để dự báo nhu cầu và đặt hàng cho loại thực phẩm bị hư hỏng nhanh nhất. Theo ước tính từ ReFED, tổ chức phi lợi nhuận theo dõi tình trạng lãng phí thực phẩm, ngày càng có nhiều cửa hàng tạp hóa áp dụng loại công nghệ này, để nỗ lực cắt giảm lượng thực phẩm họ vứt đi mỗi năm, với tổng số tiền tiêu tốn lên tới 28 tỷ USD.
Trong khi đó, một công ty tại Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) có tên Reloop đang thu gom rác thải thực phẩm từ nhà bếp của các khách sạn ở Dubai và biến nó thành phân bón. Theo ông Youssef Chehade, đồng sáng lập của Reloop: “Chúng tôi đã đưa hơn một triệu kg rác thải thực phẩm khỏi các bãi chôn lấp. Con số đó tương đương hơn 1.200.000 kg khí thải carbon”. Cho đến nay, hơn 100 khách sạn và nhà hàng đang hợp tác chuyển giao rác thải thực phẩm cho Reloop.
Tại châu Á, Hàn Quốc vận hành một chương trình ủ phân hữu cơ toàn diện, tái chế gần như toàn bộ thức ăn bỏ đi thành phân bón, thức ăn chăn nuôi hoặc nhiên liệu khí sinh học. Thức ăn thừa tập kết ở trung tâm xử lý rác được đựng trong túi màu vàng trong suốt được quy định riêng.
Thông qua việc mua túi ở cửa hàng tiện lợi, người dân coi như đã trả phí cho chỗ thức ăn mà họ vứt bỏ. Tiền từ việc bán túi được mỗi quận dùng để bù đắp một phần chi phí vận chuyển và xử lý thức ăn thừa. Tính riêng tại Seoul, phí mua túi đã bù đắp khoảng 40% tổng chi phí xử lý rác thải thực phẩm, vốn khiến thành phố tiêu tốn khoảng 153 triệu USD mỗi năm.
Hiện, châu Á đứng thứ hai thế giới về lãng phí thực phẩm, khi 25% lượng thực phẩm lãng phí toàn cầu đến từ Nam và Đông Nam Á. Báo cáo từ Liên hợp quốc cho thấy, người Singapore tạo khoảng gần 810.000 tấn thực phẩm thừa mỗi năm, tức là khoảng 10% lượng rác thải của toàn quốc đảo. Người Malaysia thải bỏ khoảng 38.000 tấn thực phẩm/ngày, tương đương 8% tổng lượng rác thải. Riêng tại Việt Nam, khoảng 50 – 80% lượng rác trên đầu người đến từ thực phẩm thừa…
Nguồn: vneconomy.vn (Tuệ Mỹ)