Nguy cơ từ… rác thực phẩm

Nguy cơ từ… rác thực phẩm

Không có quy định cụ thể, không biết vứt ở đâu và phân loại như thế nào là nguyên nhân khiến trung bình khoảng 10 tấn rác thải thì có đến hơn nửa là rác hữu cơ, không những gây hại cho môi trường mà còn lãng phí nguồn tài nguyên.

Rác thực phẩm ngổn ngang

Tại điểm tập kết rác ở phường Trương Định (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) theo ghi nhận của phóng viên, rác thải chất chồng chất, bốc mùi hôi thối. Đáng chú ý, chiếm lượng lớn là các loại rác thực phẩm, chủ yếu là thức ăn thừa, chất thải thực phẩm trong quá trình sơ chế, chế biến như mỡ động vật, vỏ hải sản, rau úa vàng, hoa quả hư hỏng, gốc rễ,... Chị Trần Thúy Thanh (45 tuổi, ở gần đó) cho biết mọi người vẫn theo thói quen cứ rác là vứt vào thùng suốt bao năm qua, dù biết là không đúng nhưng vì tiện nên đành “khuất mắt trông coi”.

Theo hướng dẫn kỹ thuật về phân loại chất thải rắn sinh hoạt của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), rác thải thực phẩm là một trong số những loại bắt buộc người dân phải thực hiện phân loại tại nguồn. Đáng nói, nếu như khu vực ngoại thành, mô hình phân loại và xử lý rác hữu cơ đã bước đầu phát huy tác dụng, rác thực phẩm được người dân tận dụng làm phụ phẩm nông nghiệp hoặc thức ăn trong chăn nuôi. Trái lại, trong nội thành nhiều gia đình, hộ kinh doanh vẫn để chung rác thực phẩm với các loại rác khác, thậm chí tại các khu chợ cóc, chợ dân sinh rác thực phẩm còn bị vứt ngổn ngang giữa đường làm mất mỹ quan đô thị.

Chỉ riêng tại Hà Nội, mỗi ngày có khoảng hơn 3.600 tấn rác thực phẩm chưa phân loại cho thấy phân loại rác tại nguồn nói chung và phân loại rác thực phẩm nói riêng vẫn là bài toán khó. Nguyên nhân của thực trạng này một phần đến từ việc người dân còn mơ hồ trước khái niệm phân loại rác.

Hiểm họa ô nhiễm môi trường

Trong bối cảnh ô nhiễm môi trường đang đe dọa toàn cầu, bên cạnh rác thải nhựa, rác thực phẩm cũng đang tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nếu không được phân loại đúng cách. Theo đó, rác thực phẩm đang làm biến đổi khí hậu khi sản sinh ra khí metan - một loại khí gây hiệu ứng nhà kính trong quá trình phân hủy. Các thông số cho thấy khí metan từ rác thải thực phẩm tạo ra 3,3 tỷ tấn khí nhà kính mỗi năm và chiếm khoảng 7% tổng lượng khí thải toàn cầu.

Ngoài ra, nguồn rác thải thực phẩm này sẽ ngấm xuống đất, gây ô nhiễm đất và nước. Theo TS. Hoàng Dương Tùng - nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ TN&MT nhận định, rác thực phẩm dễ gây ô nhiễm, bởi khi phân huỷ loại rác này tạo ra nước rỉ rác, không chỉ gây ảnh hưởng đến nguồn nước ngầm mà còn gây ra các vấn đề về môi trường và sức khỏe.

Trên thế giới, để giải bài toán trên các quốc gia đã triển khai nhiều hành động quyết liệt. Điển hình như Hàn Quốc, kể từ những năm 1980, nước này đã thực hiện nhiều nỗ lực lập pháp để giảm lãng phí thực phẩm, hầu hết thực phẩm dư thừa hàng ngày sẽ được xử lý thành thức ăn gia súc, phân bón, nhiên liệu sưởi ấm nhà cửa… giúp tái chế khoảng 95% lượng thực phẩm tồn đọng. Với tính hiệu quả cao, mô hình xử lý rác thực phẩm của Hàn Quốc đã được nhiều chuyên gia quốc tế nghiên cứu và áp dụng, trong đó có Việt Nam.

Những năm qua, Việt Nam đã có nhiều công ty cung cấp giải pháp về môi trường, trong đó có mô hình tái sử dụng lại - tái chế rác thực phẩm. Với rác thực phẩm là cơm thừa, thức ăn thừa sẽ được vận chuyển đến các trang trại làm thức ăn chăn nuôi, thủy sản. Những loại rác còn lại không tận dụng làm thức ăn sẽ chuyển đến các cơ sở làm phân bón hữu cơ. Phần chất thải vô cơ còn lại như vỏ trứng, vỏ ốc, vỏ sò,… sau khi được phân tách sẽ được tiền xử lý cắt nhỏ và phối trộn cùng các loại chất thải công nghiệp khác.

Tuy nhiên, việc tái chế này chỉ thực sự có hiệu quả khi phân loại rác tại nguồn trở thành thói quen của người dân. Vì vậy, trước mắt giải quyết việc phân loại rác thải tại nguồn là hết sức cần thiết và cấp bách.

Thực tế cho thấy, chính quyền địa phương cần xây dựng và triển khai nhiều kế hoạch, chương trình nhằm triển khai mô hình quản lý, phân loại, vận chuyển rác thải tại nguồn. Tập trung tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn phân loại chất thải sinh hoạt đến từng người dân, cơ quan, đơn vị trên địa bàn, từng bước tạo nên ý thức của Nhân dân về phân loại rác thải. Từ đó làm tiền đề cho việc triển khai thực hiện chương trình phân loại rác theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Khi ấy, không chỉ có rác thực phẩm được chuyển hoá thêm một vòng đời có lợi mà còn góp phần giảm thiểu tổng lượng rác thải trong cộng đồng thải ra môi trường nhằm giảm tải cho môi trường, tiết kiệm chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý.


Từ ngày 1/6/2024, đã có 23 phường thuộc 5 quận trên địa bàn TP Hà Nội tiến hành thí điểm phân loại rác thành 4 loại: có khả năng tái chế; chất thải cồng kềnh; chất thải nguy hại và chất thải sinh hoạt còn lại (bao gồm chất thải thực phẩm). Sau gần 2 tuần triển khai thí điểm, đến nay có những phường thực hiện rất tốt nhưng cũng có những nơi các gia đình chỉ phân loại rác với các loại lon, giấy, thùng carton, còn lại kể cả rác thực phẩm đều đổ chung.

Nguồn: baophapluat.vn

Đang xem: Nguy cơ từ… rác thực phẩm